Vấn đề đồng tính luyến ái thổi bùng và làm nóng các cuộc tranh luận trong rất nhiều truyền thống tôn giáo và tạo sự chia rẽ nghiêm trọng giữa những người cấp tiến và người vâng theo truyền thống.

Đồng tính luyến ái

Vấn đề đồng tính luyến ái thổi bùng và làm nóng các cuộc tranh luận trong rất nhiều truyền thống tôn giáo và tạo sự chia rẽ nghiêm trọng giữa những người cấp tiến và người vâng theo truyền thống. Giáo hội Anh giáo, với gần 80 triệu tín đồ, đã triệu tập một hội nghị mở rộng của các nhà lãnh đạo nhà thờ ở Luân Đôn vào tháng 10 năm 2003 với nỗ lực ngăn chặn sự phân ly bằng việc chấp nhận giám mục đồng tính ở nhà thờ Episcopal tại Mỹ. Có những dấu hiệu cho thấy rằng những sự căng thẳng như thế nổi lên trong Phật giáo, tuy mức độ có thấp hơn.

Chính Đức Phật cũng không bao giờ phê phán về mặt đạo đức đối với những hành động tình dục đồng tính. Những nguồn tư liệu sớm nhất cho thấy rằng đồng tính luyến ái không được bàn luận như là vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, có rất nhiều cuộc trao đổi về hoạt động đồng tính luyến ái được phản ánh trong luật Tỳ kheo. Bất cứ loại hoạt động tính dục nào, cho dù đó là đồng tính hay khác tính, đều bị giới luật ngăn cấm và có nhiều loại hình phạt đối với những người vi phạm. Dâm dục là điều cấm đầu tiên trong bốn Ba la di và bất cứ vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni nào phạm phải giới này đều bị tẩn xuất suốt đời. Những lỗi nhẹ hơn, chẳng hạn thủ dâm hay phạm hạnh không tốt thì hình phạt tùy theo đó cũng sẽ nhẹ hơn.

Vấn đề đồng tính luyến ái nổi lên rõ ràng liên quan đến tổ chức Tăng. Những người đồng tính không được thọ giới Tỳ kheo, trong đó bao gồm cả người ái nam ái nữ và cả loại người mà kinh điển Pali gọi là Pandakas. Thuật ngữ này không rõ ràng chỉ cho người nào hay hành động nào, nhưng Peter Harvey, trong tác phẩm An Introduction to Buddhist: Foundations, Values and Issues (Trường Đại học Cambridge ấn hành, năm 2000), đã kết luận rằng, Pandakas chỉ cho loại người loạn chức năng ham muốn tình dục đồng tính nam. Còn Zwilling thì cho rằng Pandakas là loại ham muốn xấu xa, có thể là “lệch lạc tình dục, đồng tính luyến ái”. Hạng người đó Đức Phật không cho gia nhập Tăng đoàn, bởi vì có thể họ sẽ làm xấu phẩm hạnh của các thành viên khác. Sự nguy hại đó ảnh hưởng đến uy tín của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đối với xã hội và có nguy cơ phá vỡ đời sống Tăng vì nó cản trở tiến trình tu tập.

Tuy nhiên, hình như không có một sự ngăn cản nào không cho những người đồng tính tu hành, những người không làm gì thể hiện xu hướng tình dục của họ. Đạo Phật tin rằng, giới tính có thể thay đổi từ đời này sang đời khác và một số Phật tử giải thích đồng tính là kết quả của giới tính kiếp trước thể hiện trong đời sống tiện tại. Thậm chí có những câu chuyện nói về sự thay đổi giới tính trong đời sống hiện tại, chẳng hạn, vì nghiệp báo mà người nam trở thành người nữ và ngược lại…; những sự biến đổi như thế không ngăn cản tiến trình tu tập. Xu hướng tình dục thậm chí giới cũng dễ thay đổi, do đó, tự họ cũng mơ hồ về phẩm hạnh.

Tuy nhiên, thời nay, có những Tỳ kheo đồng tính sống trong Tăng đã trở thành vấn đề tranh luận. Vào tháng 7 năm 2003, Hòa thượng Pisarn Thamapatee, một trong những vị Tỳ kheo nổi tiếng của Thái Lan, đã cho rằng có cả nghìn vị Tỳ kheo đồng tính trong số 300.000 Tỳ kheo trên đất nước này, tuy nhiên nhiều người khác lại ước đoán một con số thấp hơn nhiều. Cho dù đó là con số thực, ngài đã ra lệnh trục xuất họ khỏi Tăng đoàn và cần phải có sự nghiêm khắc hơn đối với các thành viên thọ giới. Ngài bộc lộ quan điểm rằng, những người tình dục lệch lạc không được khoác pháp phục, bởi: “Một số Tỳ kheo đồng tính là nguyên nhân của mọi sự rắc rối trong tu viện”. Rõ ràng, vấn đề đồng tính hiện nay trong Tăng đoàn ở một vài quốc gia cũng tạo nên sự tranh luận không kém so với hiện tượng tu sĩ đồng tính trong một số trường phái Cơ Đốc giáo.

đồng tính luyến ái
ảnh minh họa

Quan niệm của Đức Dalai Lama về vấn đề đồng tính

Trong những bài giảng vào thập niên 1990, Đức Dalai Lama đã đưa ra những lời tuyên bố liên quan đến những nguyên tắc tính dục trong những bài viết của mình và trong các buổi nói chuyện trước đám đông, điều này đã tạo nên sự quan tâm của những người đồng tính ở Bắc Mỹ. Những người lãnh đạo các nhóm đồng tính nam và đồng tính nữ ở vùng San Francisco đã thỉnh cầu ngài có một buổi nói chuyện để trình bày rõ ràng những quan điểm của ngài. Buổi nói chuyện đã được tổ chức tại San Francisco vào ngày 11 tháng 6 năm 1997. Khi thảo luận với người đồng tính nam, người đại diện Phật giáo – Đức Dalai Lama – xác nhận nhân phẩm và quyền của đồng tính nam và đồng tính nữ, nhưng ngài cũng cho rằng, sự thủ dâm hay giao hợp đường miệng, hậu môn là không thích hợp và người tu Phật cần phải tránh.

Theo những bài viết đáng tin cậy được trích dẫn trước đây, Đức Dalai Lama tuyên bố rằng bất cứ một bộ phận nào ngoài âm đạo, như miệng, hậu môn, tay, bắp chân, đều không được sử dụng trong giao hợp. Ngài cũng kiến nghị rằng, một cách nhìn nhận bài trừ tính dục như thế để ghi nhận rằng, mục đích của tính dục như quan điểm người Ấn, là để sinh con, và cũng là điều để giải thích tại sao tất cả những hoạt động tình dục khác không đưa đến sinh con thì đều bị bài trừ. Tuy nhiên, ngài nói thêm, điều này chỉ tốt cho những người tu Phật phát nguyện từ bỏ mọi hành động tính dục nếu như việc ngăn chặn sự ham muốn đó có những kết quả bất lợi, chẳng hạn như sự nóng nảy, bạo loạn liên quan đến sự thất bại.

Đức Dalai Lama chỉ ra rằng, những giới cấm của Phật ứng dụng tùy vào thời gian, nền văn hóa và xã hội mà con người ở đó tuân hành. Chẳng hạn, các vị Tỳ kheo mặc áo hoại sắc bởi vì vào thời điểm đó, nó phù hợp với người nghèo Ấn Độ. Ngài kiến nghị: “Nếu đồng tính luyến ái là một phần trong các tiêu chuẩn được cộng đồng thừa nhận, thì điều đó cũng có thể được chấp nhận. Thế nhưng, không một cá nhân hay vị thầy nào có thể tự thay đổi giới luật. Tôi cũng không đủ thẩm quyền tái định nghĩa những giới điều đó bởi vì không ai có thể quyết định hay ban hành sắc lệnh”. Ngài kết luận: “Việc xác định lại như thế chỉ được quyết định trong một hội nghị Tăng già với sự có mặt của tất cả các trường phái Phật giáo. Điều này không phải chưa từng có trong lịch sử Phật giáo khi muốn xác định lại một vấn đề, nhưng nó phải được thực hiện ở cấp độ tập thể”. Ngài nói thêm, điều đó thật hữu ích để nghiên cứu sâu hơn nguồn gốc của giới luật về đề tài tính dục.