Ngày nay, 98 % phụ nữ Hoa Kỳ từ 15 đến 44 tuổi sử dụng một phương pháp hạn chế sinh sản, với 44 triệu người từng dùng thuốc ngừa thai.

Ngày 9 tháng 5 năm 1960, cơ quan FDA (food and drug administration) đã cấp giấy phép cho thuốc tránh thai đầu tiên được đưa vào thị trường . Ngược dòng thời gian, vào năm 1920, Ludwig Haberlandt (Đức quốc) đã ngăn cản được sự rụng trứng của một con thỏ bằng cách ghép buồng trứng của một con thỏ khác đang mang bầu. Mười năm sau, người ta khám phá ra kích thích tố progesterone nơi buồng trứng của heo nái và thành công trong việc ngăn cản sự rụng trứng với hoá chất này. Đến năm 1940, chất progesterone mới được bào chế từ củ igname của mễ tây cơ, và bốn năm sau, Jackie R. Bickenbach và Paulikovics thử nó trên một phụ nữ, với kết quả tốt. Vấn đề là mỗi ngày mỗi phải chịu một mũi tiêm ! Mãi đến năm 1951, một loại progesterone bằng thuốc uống mới được tìm ra.
thuốc tránh thai
ảnh minh họa

Liền sau đó, hai nhân vật then chốt nhập cuộc. Đầu tiên là Margaret Higgins Sanger, y tá trong bảo sanh viện của một khu phố nghèo ở New York. Bà là người sáng lập cơ quan kiểm soát sinh sản Hoa Kỳ sau gọi là « kế hoạch hoá gia đình ». Người thứ hai là Katherin Dexter Mc Cormick, một người giàu có, sẵn sàng cống hiến tài sản cho việc tìm ra một thuốc ngừa thai lý tưởng. Hai bà này thuyết phục bác sĩ Gregory Pincus lao vào công trình ấy. Sau nhiều năm nghiên cứu, với sự cộng tác của hai đồng nghiệp khác là Min Chuh Chang và John Rock (đại học Harvard), một hợp chất estrogen và progesterone được thử nghiệm thành công nơi 250 phụ nữ nghèo của một ngoại ô Porto Rico. Thế là vào năm 1956, hãng bào chế Searle cho ra đời thuốc ngừa thai đầu tiên dưới tên Enovid. Sang năm 1957, thuốc này được cho phép sử dụng trong vài trường hợp bệnh lý, và mãi đến 1960, nó mới được phép dùng như thuốc tránh thai.

Ngày nay, 98 % phụ nữ Hoa Kỳ từ 15 đến 44 tuổi sử dụng một phương pháp hạn chế sinh sản, với 44 triệu người từng dùng thuốc ngừa thai. Phần lớn các tôn giáo đều cấm triệt để việc này, nhưng theo một nghiên cứu của Frances Kissling, thì con số phụ nữ Công Giáo tuân theo lệnh cấm ấy dưới 5%.