Xuất thân từ “chốn phong trần”, gái lầu xanh dấn thân vào thứ nghề buôn phấn bán hương, phục vụ nhu cầu giải khuây, thậm chí ham muốn giường chiếu của đám khách làng chơi trong thiên hạ. Để có thể bám trụ với “nghề”, chắc hẳn họ phải dụng trăm phương ngàn kế để tránh chuyện nhỡ nhàng, trót lỡ mang thai.

Dã sử không nhắc nhiều, phim ảnh cũng chỉ “thanh miêu đạm tả” điều này, vì vậy cho đến nay, chuyện tránh thai của phụ nữ cổ đại nói chung và kỹ nữ nói riêng vẫn tồn tại vô vàn quan điểm.

Có thuyết cho rằng, trước khi các biện pháp tránh thai hiện đại như: bao cao su, thuốc tránh thai… ra đời, kỹ nữ xưa từng nhét xạ hương vào rốn để tránh thai. Dù không phải gái thanh lâu bán thân nuôi miệng, nhưng Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức – hai mỹ nhân nức tiếng thời Hán cũng từng dụng chiêu này để gìn giữ xuân thì. Loại thuốc bí ẩn mà các nàng ưa dùng có tên gọi là “Hương cơ hoàn” với thành phần chính là xạ hương, sâm Cao Ly, lộc nhung.

Nhét thứ ấy vào rốn, công hiệu làm đẹp phát tác lạ kỳ. Hai mỹ nhân họ Triệu luôn rạng rỡ xuân thì với nước da trở nên mượt mà, trắng nõn và ngan ngát hương thơm. Nhưng chính vì ham mê làm đẹp, Phi Yến, Hợp Đức phải ngậm ngùi ôm nỗi đau “tuyệt hậu”. Tích trữ lâu ngày trong cơ thể, xạ hương – thành phần chính của thuốc sẽ “đặt dấu chấm hết” cho khả năng thu thai ở người phụ nữ. Chính vì lẽ ấy, bí kíp này đã bị thất truyền. Lại có quan điểm cho rằng, trong loại thuốc có tên gọi “lương dược” cũng chứa thành phần xạ hương, ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ của người phụ nữ, nhưng chưa tới mức tuyệt dục.

Còn theo dân gian Trung Quốc, nghệ tây là một “thần dược” tránh thai bí hiểm trong chốn cung đình. Nếu không mãn nguyện, hài lòng với cung nữ vừa lâm hạnh, đấng thiên tử sẽ hạ lệnh cho thái giám treo ngược cô ta lên, rồi dùng chất lỏng có chứa nghệ tây rửa sạch “vùng kín”. Nghe nói, cách này có thể khiến đám “long tinh” còn lưu lại trong cơ thể cung nữ “bay biến” sạch sẽ. Một số tư liệu cho rằng, sau khi vui vẻ với người đẹp, nếu không muốn giữ lại giọt máu rồng, nhà vua sẽ hạ lệnh cho hoạn quan dùng tay bấm huyệt trên cơ thể mỹ nữ, khiến tinh dịch xuất sạch khỏi âm đạo.
Tuyet-chieu-tranh-thai-cua-gai-lau-xanh-1

Ngoài những phương pháp trên, người xưa còn sử dụng dụng cụ hỗ trợ tương tự như bao cao su ngày nay. Chỉ có điều, những “chiếc nón” này được đặc chế từ ruột động vật. Có người nói là ruột dê, cũng có người cho rằng, bàng quang lợn chính là “bao cao su” thuở sơ khai. Theo những ghi chép chân thực của sử liệu, loại bao được sử dụng trong chốn cung điện phương Tây thời trung đại quả thực có nguyên liệu từ ruột động vật, được gọi với cái tên khá vui tai: “nón Hà Lan”. Riêng người Trung Quốc còn dùng bong bóng cá làm bao cao su. Trong số những cổ vật được lưu giữ trong bảo tàng có cả loại “nón” được chế từ ruột cừu, có điểm gần với hình dạng sơ bộ của bao cao su hiện đại.

Lại có ý kiến cho rằng, khoảng 3.000 năm trước, tại vùng Ấn Độ và Ai Cập, người ta quan niệm phân của các loài động vật như cá sấu, voi vốn tiềm tàng một sức mạnh thần bí cũng là thành phần hữu hiệu trong đơn thuốc tránh thai. Trên thực tế, chất thải của những loài vật này mang tính axit cao, có tác dụng nhất định trong việc tiêu diệt “tinh binh”. Song, mùi hôi tới mức phải bịt mũi của chúng hiển nhiên sẽ ảnh hưởng tới hứng thú ân ái của lứa đôi.

Chưa hết, uống thủy ngân cũng được xem là biện pháp tránh thai hữu hiệu thời xa xưa. Tại một số vùng nông thôn miền Bắc Trung Quốc, nhiều phụ nữ cao tuổi từng vận dụng bí kíp này thời còn trẻ. Tuy nhiên, thủy ngân vốn chứa nhiều độc tố, nên là “con dao hai lưỡi” có thể gây hại cho sức khỏe con người. Xưa kia, trong trà hay các thực phẩm thường nhật của kỹ nữ thường có thêm một lượng nhỏ thủy ngân, nghe nói hiệu quả rất tốt. Đương nhiên, nếu biết thủy ngân có độc, gái bán hoa chắc hẳn sẽ không dám uống để rước họa vào thân.

Tuy nhiên, mọi biện pháp đều có sai số. Ngay cả ngày nay, những phương thức tránh thai khoa học, hiện đại cũng không hẳn đem lại hiệu quả tuyệt đối, mỹ mãn cho chị em. Thế nên, chuyện phụ nữ xưa kia, đặc biệt là các cô gái mang phận buôn phấn bán hương thất bại trong tránh thai cũng là điều dễ hiểu. Vi Tiểu Bảo chính là một thí dụ sống động cho sự cố này. Mẹ của Tiểu Bảo vốn là một kiều nữ xuất thân từ chốn phong trần, từng ăn nằm với đủ loại đàn ông trong xã hội. Chính bà ta cũng không hay biết cha của Tiểu Bảo là ai, nên chỉ đơn giản đặt tên con theo họ mình.

Có thể nói, vì lạm dụng những biện pháp ngừa thai, gái bán hoa gặp phải vô vàn rắc rối. Sau khi tuyệt giao với chốn nhơ nhuốc xác thịt để sống phận “gái ngoan”, nhiều cô phải ê chề vì tiếng xấu bạc phúc vô sinh.