Người ta thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tuy nhiên trong trận chiến bảo vệ hạnh phúc gia đình, dường như chị em chưa chịu tìm hiểu bản chất sinh học của người đàn ông.

Vì thế trong nhiều trường hợp, cách hành xử của chị em tuy đúng đắn nhưng có lẽ chưa đầy đủ.

Từ trước Công nguyên, một nhà hiền triết phương Tây đã viết, người là loài động vật biết tư duy. Ngày nay khoa học khẳng định chắc chắn rằng, bản chất con người do di truyền và xã hội quyết định, với tỷ lệ tương ứng là 50%-50%. Bài viết này xin bàn về khía cạnh sinh học của việc ngoại tình ở người đàn ông, với hy vọng nó có thể giúp chị em hiểu thêm và thông cảm với thói “vô đạo đức” này. Và nếu qua đó chị em “trăm trận trăm thắng” thì người viết thật vui mừng khôn xiết!

Trước tiên xin nhấn mạnh rằng, người viết chỉ bàn về khía cạnh sinh học của vấn đề mà thôi. Các khía cạnh luân lý, đạo đức, xã hội, văn hóa… xin được nhường cho các tác giả khác.

Những con số biết nói

Sự khác biệt trong hành vi tính dục giữa hai giới là điều đã được nhắc tới từ lâu, nhưng chỉ đến cuối thế kỉ trước, nó mới được khảo sát một cách khoa học. Thăm dò với sinh viên Mỹ cho kết quả rất thú vị. Trước câu hỏi “Hẹn hò với người lạ?”, 50% cả nam và nữ đều đồng ý (uống cà phê với người mới quen thì cũng được chứ sao!). Nhưng trước đề nghị “Ngủ với tôi tối nay?”, không nữ sinh viên nào đồng ý, trong khi ở nam, tỉ lệ là 75%. Và trước câu hỏi: “Bạn cần quen bao lâu trước khi quan hệ?”, giới nghiên cứu thực sự sửng sốt khi câu trả lời chỉ là vài phút hay vài giây! Hơn nữa nam sinh viên không chỉ quan hệ với người mới quen hoàn hảo, mà còn sẵn sàng quan hệ với người không hoàn hảo. Nhiều nghiên cứu tiếp theo cho thấy, đàn ông sẵn sàng hạ các tiêu chí xuống mức thấp nhất, sẵn sàng bỏ rơi trí thông minh, óc hài hước, sự duyên dáng, tính trung thực hay niềm cảm xúc. Với họ, “mới” là điều quan trọng nhất. Đó là thực tế khách quan mà dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chấp nhận.

Nhìn rộng ra thế giới động vật, ta cũng thấy tình thế tương tự, mà con dê đực hay chú gà trống là minh họa điển hình. Chúng sẵn sàng quan hệ với bất cứ con cái nào lọt vào tầm mắt.

phái mạnh
ảnh minh họa

Cuộc chiến mang tên chọn lọc tự nhiên

Trước thực tế đáng buồn đó, xuất hiện ngay một câu hỏi rất tự nhiên: Tại sao đàn ông nói riêng, con đực nói chung lại “vô đạo đức” như vậy? Câu trả lời là với tư cách một sinh thể, giống đực hành xử hoàn toàn bản năng dưới sự điều khiển của chọn lọc tự nhiên, một quá trình vạn năng, mạnh mẽ, ngẫu nhiên và trung tính.

Khởi đầu từ Darwin, ngày nay chúng ta biết rằng, sự sống tiến hóa theo các qui luật của chọn lọc tự nhiên. Suy cho đến cùng, chọn lọc tự nhiên là cuộc chơi của các gien tái sinh xuyên thế hệ. Bộ gien tạo nên cơ thể biết làm điều cần làm – ăn uống, chạy nhảy, cạnh tranh, hợp tác, yêu đương, sinh sản – sẽ được phân chia và tái sinh. Bộ gien không làm được như thế sẽ bị diệt vong. Trong thế giới sinh vật, kể cả thực vật và động vật, bản năng sống là bản năng gốc, bản năng số một. Mà một cơ thể sống trước sau gì cũng phải chết, vì thế bản năng sống được biểu hiện cụ thể ở chức năng sinh sản. Nói cách khác, về mặt sinh học, chúng ta chỉ có thể bất tử thông qua những đứa con. Không chỉ trong thế giới động vật, mà ngay cả trong các xã hội hội loài người trước khi khoa học hiện đại hình thành và phát triển (thời Phục hưng và Khai sáng), tỉ lệ sống sót sau sinh nở và tuổi thọ từng cá thể khá thấp. Vậy thì chỉ còn cách có thật nhiều con để niềm hi vọng duy trì hệ gien của bản thân không bị lụi tàn.

Do phải mang nặng đẻ đau và chăm sóc con cái, nên phụ nữ khó có nhiều con. Nếu người viết không lầm thì lịch sử loài người chưa từng thấy một xã hội mà số con trung bình của một phụ nữ vượt qua con số 10. Vậy người đàn ông phải làm gì? Nếu đủ tài vật và sức khỏe, anh ta sẽ cưới nhiều vợ. Theo người viết, về mặt sinh học, chế độ đa thê thời phong kiến xuất hiện như sự thôi thúc của bản năng sinh tồn ở loài người. Với nhiều vợ, người đàn ông đa thê có thể có nhiều con. Và hệ gien của anh ta sẽ có nhiều cơ may sống sót xuyên thế hệ. Tại nội địa vùng Á – Âu hiện nay, khoảng 16 triệu người đàn ông mang nhiễm sắc thể Y (nhiễm sắc thể giới tính nam, do cha truyền cho con trai) của Thành Cát Tư Hãn chính là minh chứng điển hình cho chiến lược tiến hóa đó (phát hiện của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford do Chris Tyler-Smith dẫn đầu). Vậy những người không có “may mắn” như thế thì làm thế nào? Họ đành dùng một chiến lược tuy hạ sách nhưng cũng khá khôn khéo là ái ân với bất cứ người phụ nữ nào có thể, kể cả vợ của những người đàn ông đa thê. Dưới ánh sáng học thuyết tiến hóa, ngoại tình là một biểu hiện của bản năng sống ở người đàn ông.

Nếu đi ngược thời gian về thời nguyên thủy, vấn đề còn rõ ràng hơn nữa. Các nhóm người nguyên thủy sống dưới chế độ quần hôn. Trong khi người phụ nữ luôn biết rằng, con họ sinh ra không phải là con của người phụ nữ khác; thì bất hạnh thay cho cánh đàn ông, họ không thể biết đứa con trong bụng người phụ nữ kia có phải là con mình hay không. Vậy họ phải làm gì? Câu trả lời thật đơn giản: cố gắng có con với càng nhiều phụ nữ càng tốt. Như vậy chọn lọc tự nhiên ưu ái những người đàn ông có sinh hoạt tình dục mạnh mẽ, những người thích cạnh tranh, ưa mạo hiểm và lợi dụng cơ hội tốt hơn. Và chúng ta chính là hậu duệ của những người chiến thắng đó. Trải qua quá trình tiến hóa lâu dài, “thói vô đạo đức” đó dần dần trở thành bản chất của người đàn ông.

Vậy bản năng sống của phụ nữ được biểu hiện trong việc chọn bạn tình như thế nào? Thật thú vị là nó hoàn toàn ngược với đàn ông. Vì không thể sinh nhiều con, nên để tăng khả năng sinh tồn của chúng, ngay trong xã hội quần hôn, phụ nữ cũng có xu hướng chọn bạn tình có địa vị cao hơn, khỏe mạnh hơn, có khả năng săn thú tốt hơn… Người đàn ông như thế có thể chăm sóc những đứa con của người phụ nữ tốt hơn.

Như vậy tuy cùng bị bản năng sinh tồn thôi thúc, nhưng do cấu trúc giải phẫu và chức năng sinh lý khác nhau, nên đàn ông và phụ nữ có hành vi tính dục hoàn toàn khác nhau. Trong khi đàn ông có xu hướng chọn nhiều bạn tình “vô danh”, thì phụ nữ lại có xu hướng chọn một hay số ít bạn tình “hữu danh”. Vì thế đàn ông dễ ngoại tình hơn, còn phụ nữ chung tình hơn. Theo thuyết tiến hóa thì mục đích của hai xu hướng ngược nhau đó thực ra chỉ là một: tăng cường khả năng sống sót của hệ gien bản thân trong cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt.

Cần lưu ý rằng nguồn gốc gia đình cũng xuất phát một phần từ bản năng gốc này. Loài người đi từ chế độ quần hôn thời săn bắn – hái lượm tới chế độ đa thê thời phong kiến, cuối cùng là chế độ một vợ một chồng thời hiện đại. Tại sao đàn ông nay chỉ cần một vợ? Ngoài các yếu tố đạo đức, bình đẳng giới… thì các điều kiện sống đã phát triển đến mức, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh rất thấp trong lúc tuổi thọ con người ngày càng cao. Vì thế người đàn ông chỉ cần có 1-2 con với một phụ nữ là đủ đảm bảo cho bản năng sinh tồn. Về mặt sinh học, chế độ một vợ một chồng chỉ có thể xuất hiện và tồn tại khi các điều kiện kinh tế – xã hội – văn hóa đã phát triển đến một mức nào đó. Khi đó thì chế độ một vợ một chồng lại có ưu thế hơn chế độ đa thê trong việc chăm sóc con cái.

Ngoại tình thời hiện đại

Một mặt các tiêu chuẩn đạo đức chính là bằng chứng của việc con người cố gắng tách ra khỏi thế giới động vật; mặt khác các tàn tích tiến hóa vẫn lẩn quất quanh người đàn ông. Dù ngày nay không cần sinh nhiều con mà vẫn bảo tồn được nòi giống, nhưng đàn ông vẫn dễ ngoại tình, vì đó chính là bản chất sinh học.

Những nghiên cứu không được công bố chính thức cho thấy, tại Anh và Mỹ những năm 1940-1950, khoảng 10-30% trẻ em sinh ra từ các vụ ngoại tình. Như vậy thì phụ nữ cũng ngoại tình ngày càng nhiều, cho dù vẫn thua xa nam giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này.

Đầu tiên là sự xuất hiện các phương pháp ngừa thai ngày càng hiệu quả và tiện dụng. Điều đó trút bỏ một gánh nặng cho người phụ nữ. Nếu trước họ luôn e ngại khả năng mang thai khi quan hệ ngoài hôn nhân, thì nay nỗi lo lắng đó đã mất.

Thứ hai là sự bình đẳng giới ngày càng cải thiện, giúp phụ nữ ngày càng tự do quyết định hành vi tính dục của mình. Môi trường xã hội thay đổi, khả năng giao tiếp dễ dàng trong một xã hội đang toàn cầu hóa cũng giúp chị em mở rộng khả năng giao lưu, tiếp xúc hay lựa chọn. Sự thất vọng về người bạn đời khi so sánh với những người đàn ông ngoài xã hội là điều có thể tiên lượng. Nhiều nhà xã hội học cho rằng, sự đổ vỡ của hôn nhân truyền thống là một xu hướng mang tính tiến hóa.

Thứ ba, vì nam giới luôn muốn ngoại tình, nên phụ nữ cũng có thể có tâm lý “ông ăn chả, bà ăn nem”. Nếu nỗi lo mang thai hay ít khả năng lựa chọn đã từng là rào cản trong quá khứ, thì nay những trở ngại đó đã mất hay giảm đi rất nhiều.

Chính vì vậy tại các xã hội phương Tây, tỉ lệ phụ nữ độc thân ngày càng tăng. Họ vẫn có thể có con, có bạn tình ổn định nhưng không lập gia đình. Chính họ lựa chọn như vậy, chứ không phải không có khả năng lấy chồng. Những người đã lập gia đình, khi hôn nhân trắc trở, cũng có thể chọn một trong hai khả năng, hoặc ly dị hoặc không ly dị nhưng có quan hệ ngoài hôn nhân.

Vì thế một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong các xã hội toàn cầu hóa, ngoài mô hình gia đình truyền thống, có thể tồn tại một kiểu gia đình mà cả chồng và vợ đều có quan hệ ngoài hôn nhân. Mô hình phản truyền thống đó có thể tốt hơn trường hợp ly dị, ít nhất là trong việc nuôi dưỡng con cái. Phải chăng trên khía cạnh sinh học, đó cũng là một xu hướng mang tính tiến hóa?